Searching...
Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Phát hiện gần nghìn chai dầu mè kém chất lượng suýt được tiêu thụ

Cuối tháng 6 vừa qua, lực lượng chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và thu giữ gần 1.000 chai dầu mè được sang chiết, sản xuất mất vệ sinh đang chuẩn bị tiêu thụ. Cụ thể, đội cảnh sát kinh tế công an quận 6 đã kiểm tra và phát hiện 6 thùng dầu mè do 3 đối tượng vận chuyển. Qua kiểm tra, các đối tượng khai nhận số dầu mè này được sản xuất ở nhà ông Lưu Ngọc An, địa chỉ đường Bà Hom, phường 13, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

Lực lượng chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp địa chỉ trên, phát hiện gần 1.000 chai dầu mè nhãn hiệu Nakydaco loại 25ml cùng nhiều vỏ chai, nhãn mác, hàng chục thùng dầu mất vệ sinh, cáu bẩn. Chủ cơ sở còn trang bị máy in hạn sử dụng, máy cầm tay để đóng màng co, các loại mực để in, các dụng cụ để nấu, sang chiết dầu mè. Các loại máy móc, nhãn mác bao bì được cất giấu trong các phòng ngủ, tầng trên cùng của căn nhà là nơi nấu, sang chiết dầu. Dụng cụ trên tầng này đều đóng cặn, có mảng đen kịt, bốc mùi khó chịu.

Khi làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở khai nhận sau khi sản xuất, sang chiết dầu mè thì đem tiêu thụ ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Như vậy, có thể khẳng định đây là cơ sở sản xuất thực phẩm mất vệ sinh an toàn, kém chất lượng nhưng vẫn hoạt động, số lượng dầu mè bẩn đã tiêu thụ đã rất lớn. Đây là thực trạng đáng báo động bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng. Trong khi các sản phẩm dầu mè chất lượng khác để tiêu thụ trên thị trường phải làm hồ sơ công bố thực phẩm, được cấp phép lưu hành thì chủ cơ sở này sản xuất chui, đưa sản phẩm ra thị trường dù sản phẩm không đạt chất lượng, không an toàn. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý và xử phạt, tịch thu số hàng hóa vi phạm.


Về vấn đề dầu ăn bẩn, PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Viện Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách Khoa, Hà Nội) cho biết, dầu ăn chế biến thực phẩm được sản xuất từ tinh dầu các loại thực vật hoặc mỡ động vật, được đăng ký lưu hành thực phẩm chức năng, được các cơ quản lý có thẩm quyền cấp phép. Tình trạng sản xuất dầu ăn bẩn bằng hình thức sản xuất thủ công đã xuất hiện từ lâu và vẫn ngang nhiên tiếp diễn. Dầu bẩn sau khi sản xuất ở các cơ sở sản xuất chui sẽ được mang đi tiêu thụ, dùng để chế biến đồ ăn cho người dùng. Dầu bẩn có thể gây ngộ độc, gây bệnh tật về máu, tăng nguy cơ ung thư. Muốn mua được dầu ăn tốt thì người mua cần chú ý nhận biết các dấu hiệu dầu ăn kém chất lượng thông qua cảm quan hoặc lựa chọn thương hiệu uy tín.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét